Trẻ bị tiêu chảy nên bổ sung những loại thực phẩm nào?

Tiêu chảy là một loại bệnh lý rất phổ biến và thường gặp ở trẻ em khi bị nhiễm trùng đường ruột. Theo số liệu thống kê, những trẻ dưới 2 tuổi trung bình quân mỗi năm đều sẽ bị tiêu chảy từ 2- 3 lần. Mặc dù trẻ bị tiêu chảy không quá nguy hiểm nhưng ba mẹ cũng không nên ngó lơ.

Trẻ bị tiêu chảy ảnh hưởng tới sức khỏe
Hình ảnh: Trẻ bị tiêu chảy ảnh hưởng tới sức khỏe

Sau đây là những thông tin chi tiết mà bạn cần biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ. Những nguyên nhân và hướng khắc phục như thế nào là tốt nhất để ba mẹ có thể cầm tiêu chảy nhanh nhất cho bé tại nhà thông qua chế độ ăn.

Mục lục chính

Biểu hiện của tiêu chảy ở trẻ

Trẻ nhỏ bị tiêu chảy có những biểu hiện mà bạn có thể nhận biết được. Thông qua số lượng phân thải ra hàng ngày, khi phân có biểu hiện bất thường như lỏng nước hoặc có máu, nhầy và thời gian đi ngoài nhiều trong một ngày (trên 3 lần) thì gọi là bị tiêu chảy.

Loại bệnh lý này có thể được chia theo nhiều cấp độ khác nhau. Tiêu chảy cấp thường xảy ra đột ngột và diễn biến trong vài ngày. Nếu đợt tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày, thì được gọi là tiêu chảy kéo dài – tiêu chảy mãn.

Trẻ cảm thấy mệt mỏi, không thích chơi trò chơi
Hình ảnh: Trẻ cảm thấy mệt mỏi, không thích chơi trò chơi

Khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ thường cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon. Nếu đi ngoài nhiều lần trong ngày, cũng có trường hợp bé bị nôn do cơ thể mất quá nhiều nước. Bên cạnh đó là những triệu chứng như sốt, chướng bụng, tiêu chảy phân có nhầy, có máu,…

Nguyên nhân của bệnh tiêu chảy

Khả năng mắc bệnh tiêu chảy thường gặp nhất là ở trẻ em giai đoạn từ 6 tháng đến 2 tuổi. Vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt. Đặc biệt với những trẻ dưới 6 tháng tuổi nếu uống sữa bò hoặc các thức ăn khác cũng rất dễ bị tiêu chảy. Nói như vậy không có nghĩa là những người lớn hơn sẽ tránh được bệnh tiêu chảy hành hạ.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy
Hình ảnh: Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy

Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em có thể do vi trùng, virus ký sinh trùng (dưới 2 tuổi thường do rotavirus, 2-5 tuổi thường do shigella), do tác dụng phụ của kháng sinh, nhiễm trùng không liên quan hệ tiêu hóa hay bệnh hệ thống như cúm, sởi, tay chân miệng, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,…

Nên làm gì khi trẻ bị tiêu chảy

Khi cơ thể bé bị mất nước do tiêu chảy, bạn cần bổ sung nước và điện giải. Bằng cách cho bé uống nước rau, nước cháo, nước quả tươi, nước oresol,… Mặc dù lúc này, sự hấp thu thức ăn của trẻ có giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa ăn cho ăn ít hơn những ngày bình thường. 

Mỗi độ tuổi nên có một chế độ ăn uống thích hợp để cải thiện tình trạng tiêu chảy: 

– Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ nên tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú lên. Trong trường hợp không có sữa mẹ, nên pha loãng ½ sữa bò hoặc sữa bột công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn trong vòng 2 ngày. Sau đó theo dõi tình hình sức khỏe của bé để có những biện pháp thích hợp.

Cho trẻ bú bình thường nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi
Hình ảnh: Cho trẻ bú bình thường nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi

– Trẻ từ 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên thì cũng cần ăn thêm các thức ăn giàu chất dinh dưỡng khác như thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa,… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Các bữa ăn nên chia nhỏ và ăn nhiều lần trong ngày. 

– Đối với những bé đang uống sữa công thức mà bị tiêu chảy thì thay nên chuyển sang uống sữa đậu nành, sữa không có lactose. Sau 5 ngày, nếu những triệu chứng tiêu chảy đã bớt bạn có thể chuyển dần về chế độ ăn bình thường. Khi cơ thể khỏe mạnh trở lại, nên chú ý hơn nữa đến thực đơn của trẻ để đảm bảo cho trẻ không bị suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.

Những món ăn giúp bé dễ hấp thụ hơn
Hình ảnh: Những món ăn giúp bé dễ hấp thụ hơn

Các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao được gợi ý cho chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy bao gồm trứng, cá, thịt nạc tươi, dùng dầu thay mỡ, cà rốt, chuối ương, hồng xiêm,… Thành phần pectin và lignin có trong những loại thực phẩm này có tác dụng hút nước trong ruột. Bên cạnh đó là nguồn dinh dưỡng dồi dào cơ thể có thể hấp thụ được như protein, glucid, vitamin C, kali, beta caroten,… giúp tăng đề kháng tốt nhất.

Những điều cần lưu ý khi cho bé ăn

Thông qua chế độ ăn uống, ba mẹ hoàn toàn có thể cải thiện được triệu chứng tiêu chảy ở trẻ. Cũng tránh được những nguyên nhân gây nên bệnh chán ăn, suy dinh dưỡng sau khi cơ thể bị mất nước. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý:

– Không cho trẻ ăn những thực phẩm cứng như rau già, thịt nhiều gân xơ

– Các loại rau thô như măng, hoặc tinh bột nguyên hạt khó tiêu như ngô, đỗ cũng không nên cho bé sử dụng

– Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn chứa nhiều đường

– Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần phải chú ý rửa sạch tay bằng xà phòng, chọn nguồn thực phẩm sạch, tiệt trùng các dụng cụ bát, thìa, nồi, dao, thớt,… bằng nước sôi.

– Nấu chín kỹ thức ăn và thức uống cần loãng hơn so với bình thường để trẻ dễ ăn và dễ tiêu hóa hơn.

Vì sau khi cơ thể bé trở lại bình thường sẽ mất một thời gian để cân bằng lại trạng thái dinh dưỡng cho cơ thể. Những dấu hiệu của sự sụt cân, biếng ăn sẽ xuất hiện khiến cho nhiều ba mẹ lo lắng. Lúc này bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng cảm giác thèm ăn, và giúp bé ngủ đủ, ngủ ngon giấc hơn là việc làm vô cùng cần thiết.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có được sự lựa chọn tốt nhất khi trẻ bị tiêu chảy. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *