Trẻ biếng ăn, chậm lớn là mối bận tâm của hầu hết các bậc phụ huynh. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến thể chất của bé, khiến trẻ thấp còi và có nguy cơ suy dinh dưỡng. Vậy làm thế nào để giúp cải thiện tình trạng này? Dưới đây là 4 nguyên tắc vàng khi xây dựng thực đơn cho trẻ cha mẹ có thể tham khảo.
Hãy để trẻ có quyền tham gia vào quá trình xây dựng thực đơn hàng ngày
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ biếng ăn, lười ăn, không hợp tác khi ăn là do con không được đáp ứng các món mình thích hoặc hứng thú. Đôi khi các món ăn hoặc các loại thực phẩm cha mẹ cho là tốt lại không đúng với ý muốn của trẻ. Dần dần các bé sẽ hình thành tâm lý và thói quen chống đối, mất hứng thú với bữa cơm gia đình.
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này chính là sự đối thoại của cả hai bên. Cha mẹ nên ngồi lại và lắng nghe xem trẻ đang có hứng thú với món ăn nào hoặc đặc biệt yêu thích cách chế biến ra sao. Chúng ta có thể dễ dàng lên thực đơn hơn với sự góp ý trực tiếp từ trẻ mà thậm chí hiệu quả đạt được còn khả quan hơn hẳn.
Tuy nhiên, trẻ có quyền tham gia vào quá trình lên thực đơn chứ không hẳn là “dân chủ thái quá” nhé! Các bé có thể chỉ ưa thích các loại kẹo bánh, đồ uống có ga hoặc các món ăn chiên, rán nhiều dầu mỡ hại sức khỏe và không có nghĩa là cha mẹ nên để chúng xuất hiện hàng ngày trên bàn ăn. Chúng ta cần khéo léo bổ sung chúng vào sau bữa ăn như một phần thưởng nếu trẻ đã hoàn thành khẩu phần ăn cơ bản của ngày hôm đó.
Nhìn chung, phụ huynh chỉ cần để con được nêu ý kiến nhiều hơn đối với thực đơn hàng ngày của chính mình. Những ý kiến ấy sẽ là gợi ý quan trọng cho các bữa ăn yêu thích cho trẻ trong tương lai.
Tái cấu trúc lại thời gian ăn uống của trẻ
Khá nhiều gia đình đang áp dụng cách trẻ thích gì thì cứ cho ăn vì hôm nào đến bữa ăn cũng không đủ no, cha mẹ lo con mình bị đói. Điều này đã dẫn đến một thực trạng các bé ăn vặt nhiều hơn ăn cơm và thức ăn trong bữa chính. Thậm chí khung thời gian ăn uống của bé lệch hoàn toàn so với đồng hồ sinh học bình thường.
Nếu phụ huynh đang muốn xây dựng thực đơn lành mạnh dành cho trẻ biếng ăn thì hãy cân đối lại tất cả các bữa ăn phụ, ăn vặt. Tốt nhất là loại bỏ dần chúng và đưa ba bữa chính về khung giờ sinh học chuẩn.
Nên nhớ chất lượng quan trọng hơn số lượng
Các bé biếng ăn, lười ăn thường bị cha mẹ dồn ép ăn thêm thức ăn và các thực phẩm giàu dinh dưỡng mọi lúc mọi nơi. Đây cũng chính là lí do khiến bé càng chống đối việc ăn uống hơn. Nếu muốn con mình có thái độ ôn hòa hơn trong bữa cơm thì cha mẹ nên thay đổi thói quen trên đây trước tiên.
Hãy đặt mình vào vị trí của con và bạn sẽ hiểu việc phải ăn đúng khẩu phần do người lớn định ra khó chịu như thế nào. Chúng ta hãy tập trung vào các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, chia chúng thành các khẩu phần nhỏ dùng trong bữa chính. Như vậy con vẫn sẽ đủ protein, chất béo, chất xơ, vitamin mà không cần ăn theo kiểu nhồi nhét.
Một số gợi ý về thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ bao gồm:
- Các loại hạt và quả hạch: Nhóm hạt này chứa nhiều chất béo lành mạnh cùng chất xơ và các chất chống oxy hóa. Nhìn chung chúng tác động trực tiếp đến quá trình phát triển cân nặng, chiều cao ở trẻ. Một số lưu ý liên quan đến loại thực phẩm này là một số bé có khả năng bị dị ứng quả hạch và phụ huynh cần chú ý chế biến chúng sang kết cấu mềm để tránh trường hợp bị hóc khi ăn.
- Bột yến mạch: Yến mạch tổng hợp nhiều chất xơ hòa tan, tinh bột. Nếu sử dụng chúng thường xuyên, bé sẽ được cân bằng các lợi khuẩn đường ruột. Sử dụng bột yến mạch với sữa mỗi sáng lại góp phần bổ sung protein và canxi cho cơ thể.
- Phô mai: Thành phần chủ yếu cấu tạo nên phô mai là protein và chất béo, đây có thể coi như nguồn cung cấp canxi dồi dào, chứa cả magie, vitamin A và D. Điểm đặc biệt của phô mai là tuy loại thực phẩm này khá giàu dưỡng chất nhưng lại hạ thấp nguy cơ sâu răng của trẻ xuống khá đáng kể.
- Trứng: Trứng chứa protein chất lượng cao, vitamin B12 và các khoáng chất. Đây là món ăn bổ dưỡng cho trẻ, có thể sử dụng đều đặn hàng tuần.
Ưu tiên hướng đến các món ăn mang lại ký ức tích cực
Các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định nếu món ăn có hương vị hoặc kết cấu gần giống với kí ức tốt đẹp nào đó trong quá khứ thì con người sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn. Phụ huynh hãy tinh tế tạo các mối liên hệ tích cực giữa trẻ với thực phẩm để tạo sự hưng phấn hoặc ít nhất là cảm tình trong mỗi bữa ăn.
Trên đây là các nguyên tắc xây dựng thực đơn cho trẻ, đặc biệt hữu ích cho các bé biếng ăn, chậm lớn. Tuy nhiên, cha mẹ cần linh hoạt áp dụng chúng sao cho phù hợp nhất với bé nhà mình.