Vitamin đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Nó là những chất hữu cơ rất cần thiết cho sự phát triển, duy trì và điều hành các hoạt động sống của cơ thể. Với vai trò như một chất xúc tác, vitamin giúp đồng hóa và biến đổi thức ăn, tạo năng lượng cần cho hoạt động sống của các tế bào. Tuy nhiên cơ thể không có khả năng tổng hợp được nên trong chế độ ăn hàng ngày bạn cần phải bổ sung đầy đủ vitamin thông qua các loại thực phẩm thiết yếu.
Bài viết dưới đây của Vinapharma – Group sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vitamin cũng như những công dụng chúng mang lại đối với sức khỏe nhé!
Vitamin là gì?
Vitamin là các hợp chất hữu cơ cần thiết cho sự sống mà cơ thể chỉ cần lượng tương đối nhỏ từ các thực phẩm hàng ngày.
Vitamin có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của cơ thể, giúp củng cố hệ miễn dịch chống lại những tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên nếu bổ sung lượng vitamin cao quá mức khuyến cáo, cơ thể sẽ gặp phải những rối loạn hoạt động, bệnh lý và có nguy cơ tử vong.
Vitamin được chia thành 2 nhóm dựa trên tính chất tan và thời điểm phát hiện ra chúng. Cụ thể là:
– Vitamin tan trong chất béo: Gồm vitamin A, D, E, K.
– Vitamin tan trong nước: Gồm các nhóm vitamin B và C.
Đặc điểm của các loại vitamin
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra 30 loại vitamin có vai trò khác nhau đối với sức khỏe. Dưới đây là những loại vitamin quan trọng, cần thiết nhất đối với cơ thể.
Vitamin A (Retinol)
Vitamin A tham gia vào nhiều quá trình phản ứng trong cơ thể như quá trình oxy hóa – khử, cấu tạo chất điều hòa, cảm thụ ánh sáng ở mắt – rhodopsin và giữ hoạt động của các mô biểu bì,… Vì vậy việc bổ sung thiếu vitamin A sẽ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, thoái hóa,…
Ngoài ra vitamin A góp phần vào việc hỗ trợ các hoạt động của thị giác, hỗ trợ điều trị các bệnh khô mắt, quáng gà,… Bạn nên bổ sung vitamin A cho người bị bệnh xơ gan hoặc lở loét da.
Các thực phẩm chứa nhiều vitamin A như sữa, gan, trứng, các loại trái cây và rau củ có màu xanh và vàng như cà rốt, ca, rau diếp,…
Vitamin B1 (Thiamin)
Vitamin B1 giúp chuyển hóa glucose dư thừa trong máu thành chất béo dự trữ, nhận thức hoạt động và tăng cường não bộ. Bên cạnh đó vitamin B1 cũng duy trì các khối cơ của bụng, ruột và tim.
Ngoài ra Thiamin có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể ngăn ngừa những tác hại của rượu, chất gây ô nhiễm và khói thuốc. Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B1 sẽ gây tê phù, viêm dây thần kinh, trí nhớ kém, rối loạn cảm giác chân tay.
Các thực phẩm giàu vitamin B1 mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy như cám gạo, gạo nâu, mầm lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, thịt heo, lòng đỏ trứng,…
Vitamin B2 (Riboflavin)
Trong tự nhiên, hàm lượng vitamin B2 trong thực vật cao hơn động vật và có trong tất cả các tế bào sống. Chúng rất cần thiết trong quá trình hình thành hồng cầu, sản xuất kháng thể, tế bào hô hấp và phát triển cơ thể.
Bên cạnh đó, vitamin B2 giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất carbohydrates, chất béo, và đạm, duy trì cải thiện màng dính cho đường tiêu hóa. Riboflavin còn tạo điều kiện thuận lợi cho các mô của da và tóc, giúp loại bỏ gàu và hấp thụ sắt.
Những dấu hiệu cho thấy thiếu hụt vitamin B2 bao gồm nứt và loét ở miệng, rối loạn thị giác, viêm ở miệng và lưỡi, tổn thương da, mất ngủ, nhạy ánh sáng, tiêu hóa kém, phản ứng chậm,… Để bổ sung vitamin B2 cho cơ thể bạn hãy chọn mua những thực phẩm như phô mai, cá, rau bina, sữa chua, măng tây, bơ, bông cải xanh, phúc bồn tử, nấm…
Vitamin B3 (Niacin)
Vitamin B3 thường xuất hiện trong gan bò, phô mai, bông cải xanh, khoai tây, bột bắp, sữa, men bia,… Ngoài ra bạn có thể tìm thấy chúng trong các loại thảo dược như cỏ linh lăng, bạc hà hoặc cà phê.
Vitamin B3 rất cần thiết cho tăng cường tuần hoàn máu, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bài tiết mật, tổng hợp các hóc môn tình dục, dịch tiêu hóa, hỗ trợ giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Nếu cơ thể thiếu hụt vitamin B3 sẽ dễ bị nhiệt miệng, trí nhớ kém, trầm cảm, mất ngủ, choáng váng và mệt mỏi.
Vitamin C (Acid ascorbic)
Vitamin C có nguồn gốc nhiều trong các loại rau quả tươi như cam, chanh, quýt, và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là rau cải, bông cải xanh và cà chua.
Đây là thành phần chính để giúp cơ thể sản xuất collagen – một protein quan trọng cho các mô liên kết, đặc biệt trong các dây chằng. Vitamin C giúp vết thương mau lành, tăng sự chắc khỏe cho răng và sức đề kháng cho cơ thể.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng vitamin C giúp cơ thể ngăn ngừa và điều trị cảm cúm thông thường. Khi cơ thể mệt mỏi, kém ăn, làn da bong tróc, dễ chảy máu nướu hoặc chân răng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu hụt vitamin C và cần được bổ sung.
Vitamin D
Vitamin D có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch giúp chắc khỏe xương. Đây là thành phần vi chất hỗ trợ chống còi xương cho trẻ nhỏ và loãng xương cho người lớn. Chúng hỗ trợ sự dẫn truyền thần kinh và sự đông máu giúp phòng chống các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng.
Thiếu vitamin D cơ thể sẽ bị loãng xương, suy giảm nhận thức, tiểu đường, trầm cảm, béo phì và ung thư vú. Bạn nên bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn các thực phẩm trứng, cá, dầu cá, sữa chua, pho mát, ngũ cốc hoặc sưởi nắng ít nhất 20 phút mỗi ngày.
Vitamin E
Vitamin E là loại vitamin tan trong dầu có tác dụng ngăn ngừa quá trình lão hóa, giảm vết nhăn và tăng sức đề kháng. Chúng thường xuất hiện trong hạnh nhân, đậu phộng, dầu hướng dương, dầu nành, dầu oliu hoặc các sản phẩm từ sữa.
Việc cơ thể thiếu hụt vitamin E thường gây ảnh hưởng đến quá trình tạo phôi, thoái hóa cơ quan sinh sản, liên quan đến tổng hợp hồng cầu và máu. Vì vậy bạn cần bổ sung khoảng 10-30mg mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin về vitamin Vinapharma – Group muốn cung cấp cho bạn. Có thể thấy rằng các loại vitamin có công dụng rất quan trọng đối với sức khỏe của con người. Vì vậy bạn hãy luôn bổ sung vào thực đơn hàng ngày những món ăn ngon và đầy đủ vitamin để cơ thể luôn khỏe mạnh nhé!