Trẻ bắt đầu có sự trưởng thành về trí lực từ sau 5 tuổi trở đi. Trong thời gian này, trẻ dần có những suy nghĩ riêng của bản thân và cần nhận được sự tôn trọng của người lớn, đặc biệt là bố mẹ – những người thân nhất với bé lúc này.
Với bất kỳ yêu cầu nào của trẻ sau 5 tuổi, ba mẹ cần khéo léo tôn trọng, không nên từ chối mà phải từ từ chỉ cho con biết thế nào là đúng, là sai. Tránh ảnh hưởng đến tâm lý của con về mặt lâu dài.
Nếu gặp 3 yêu cầu sau đây của con, ba mẹ nên chú ý và thay đổi lời nói cũng như hành động của mình nhé!
Con yêu cầu bố mẹ dành thời gian cho con nhiều hơn
Cuộc sống bận rộn khiến cho người lớn tất bật cả ngày và không có nhiều thời gian cho con cái. Tuy nhiên, khi sang tuổi thứ 5 trở đi trẻ đã nhận thức được tình cảm của người thân quan trọng như thế nào. Nếu con nghiêm túc muốn bố mẹ cùng đồng hành với mình trong những việc hàng ngày thì đó là lúc bố mẹ cần suy ngẫm lại bản thân.
Những lời nói “bố mẹ rất bận” không có thời gian để nói chuyện với con, chơi với con, thậm chí là giúp con làm bài tập… hay những khi bố mẹ rảnh lại dành nhiều tâm trí chỉ để lướt điện thoại trở thành những hành vi khiến con luôn cảm thấy một mình và thiếu người thân bên cạnh.
Nếu người lớn không chịu thay đổi sẽ khiến trẻ cảm thấy rất bất an, lâu dần sẽ tạo nên vết sẹo tâm lý mà đến tận sau này con vẫn không thể nào thoát ra được. Trạng thái tâm lý này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống bình thường của trẻ mà còn đến cách trẻ giao tiếp với những người khác, thậm chí là cuộc sống hôn nhân sau này.
Trẻ con mong manh và dễ dàng bị tổn thương bởi chúng luôn khao khát được yêu thương hơn mỗi ngày. Chính vì vậy, ba mẹ hãy luôn dành nhiều thời gian nhất cho con nếu có thể nhé!
Con yêu cầu bố mẹ đừng quá kìm kẹp con nữa
Trái ngược với sự thờ ơ không quan tâm của cha mẹ, nhiều người lớn có xu hướng kiểm soát con và cho rằng đó là sự bảo bọc, chăm sóc cần thiết. Trên thực tế, sau 5 tuổi trẻ đã có những nhìn nhận, đánh giá riêng của mình. Đó là quy luật tự nhiên mà các phụ huynh cần phải chấp nhận.
Khi bố mẹ bảo bọc con quá mức, sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là con sẽ không bao giờ lớn, sẽ luôn dựa dẫm vào bố mẹ một cách thái quá ngay cả khi trưởng thành. Hai là trẻ sẽ ngầm phản kháng, dần trở nên ngỗ ngược. Dù là kết quả nào thì cũng đều là những điều mà không một bố mẹ nào mong muốn.
Ba mẹ nên chấp nhận rằng, đến một độ tuổi nhất định, con sẽ phải lớn và có thể tự chăm lo cho bản thân, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về những việc làm mình gây ra. Lúc này điều mà con trẻ cần nhất chính là được bố mẹ tôn trọng và công nhận. Hãy luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để con có thể tự do phát triển, làm tiền đề cho cuộc sống hạnh phúc hơn về sau.
Con yêu cầu cho con thêm thời gian
Trẻ con còn có nhiều điều cần khám phá và chưa biết đưa ra quyết định nhanh chóng. Do vậy mà mọi thứ con làm đều chậm chạp, đôi khi làm sai khiến ba mẹ rất nóng lòng và không thể kiên nhẫn nổi.
Nhiều người lớn dễ la hét, mắng mỏ con và bắt ép con thực hiện mọi thứ nhanh hơn. Chính hành động này càng làm cho con thêm bối rối và sợ hãi thêm. Trẻ sẽ luôn có xu hướng tự ti, không dám tự mình thực hiện điều mình mới nghĩ ra. Lâu dần, khả năng sáng tạo của con bị biến mất, thay vào đó là hình thành thói quen làm việc đối phó, cẩu thả, làm cho xong mọi việc,…
Nếu con yêu cầu bố mẹ cho con thêm thời gian, hãy tôn trọng và kiên nhẫn theo sát trẻ. Sau nhiều lần tự tìm cách giải quyết vấn đề, con sẽ nhanh chóng trưởng thành hơn. Nhận được sự tin tưởng và nhẫn nại từ phía người lớn giúp con có thêm thời gian để tự hoàn thiện bản thân mình.
Một đứa trẻ muốn có tinh thần và thể chất được phát triển một cách toàn diện nhất phần lớn đều phụ thuộc vào bố mẹ. Trong quá trình phát triển này, bố mẹ nên học cách thấu hiểu nội tâm của con. Khi đối mặt với những yêu cầu có lý do của con, phụ huynh không thể dùng suy nghĩ của người lớn để áp đặt mà phải tìm cách giải quyết mềm dẻo, linh hoạt.
Mối quan hệ giữa phụ huynh với trẻ luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nó có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con sau này nếu như ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ đã vô tình hình thành thói quen, suy nghĩ không tốt trong đầu chúng. Bởi vậy, hãy luôn dành thời gian quan tâm và song hành cùng con trong những năm tháng đầu đời còn non trẻ nhé!