Làm mẹ là thiên chức lớn lao của người phụ nữ. Tuy nhiên trong quá trình mang thai đến khi sinh nở người mẹ phải trải qua vô vàn những cơn đau, thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng với những ca sinh khó. Có câu nói “cửa sinh như cửa tử”, vậy nên mới thấy được để có một đứa con lành lặn, khỏe mạnh chào đời, người phụ nữ phải chịu đựng bao nhiêu vất vả.
Để cùng thấu hiểu, cùng sẻ chia với sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ, sau đây Vinapharma – Group gửi đến bạn những nỗi đau mà bất kỳ người phụ nữ nào đều gặp phải.
Những cơn đau khi mang thai
Người ta thường nói, phụ nữ khi mang thai tính khí thay đổi thất thường khó lòng nắm bắt được. Sự thật đúng là vậy. Bởi không chỉ thay đổi lượng hormone trong cơ thể mà những cơn đau cũng là nguyên nhân làm đảo lộn cuộc sống của người phụ nữ khiến họ “chẳng thể bình thường” được.
Đau ngực
Trong quá trình mang thai, progesterone trong cơ thể thay đổi kích thích tuyến vú sản sinh ra sữa. Mẹ bầu sẽ có cảm giác vú căng tức, sưng và đau. Mặc dù đây là hiện tượng bình thường để chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ sau này nhưng những cơn đau kiểu này vẫn gây nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người mẹ.
Thông thường, mẹ bầu sẽ cảm thấy đau ngực vào khoảng thời gian 3-4 tháng đầu thai kỳ, nhưng cũng có một số người kéo dài suốt cả thai kỳ.
Đau dạ dày
Sự thay đổi của progesterone trong cơ thể người mang thai cũng dẫn đến các phản ứng liên quan đến hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, ợ chua, trào ngược axit… Các dấu hiệu này rất giống với tình trạng đau dạ dày. Tuy nhiên mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng. Hãy lập một chế độ ăn uống lành mạnh, không ăn những thức ăn gây kích thích như dưa muối, đồ lên men,… đồng thời luôn giữ ấm bụng và tránh cảm lạnh.
Nhức đầu
Thời gian mới mang thai hầu như người mẹ nào cũng trải qua những lần nhức đầu, chóng mặt. Dấu hiệu này thường tự hết trong khoảng tuần thứ 12. Nguyên nhân bởi lúc này cơ thể mẹ không tổng hợp đủ sắt, kẽm để tăng quá trình tuần hoàn máu, vận chuyển oxy đến các cơ quan, đặc biệt là não.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này vượt 3 tháng đầu khi mang thai hoặc những cơn đau xuất hiện với tần suất lớn thì bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Đau bụng
Phần bụng là phần thay đổi nhiều nhất khi mẹ mang thai em bé. Nhiều người thường rất lo lắng khi xuất hiện những cơn đau quặn ở 2 bên bụng dưới. Đặc biệt cơn đau sẽ càng cảm thấy rõ hơn khi cử động cơ thể.
Trong trường hợp này bạn đừng quá lo lắng. Những cơn đau bụng là phản ứng thông thường của cơ thể khi tử cung mở rộng và dây chằng bị kéo giãn. Các bác sĩ đều khuyên trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần lưu ý hạn chế vận động mạnh, tránh kéo giãn dây chằng. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và tham gia những lớp luyện tập dành riêng cho bà bầu để tăng cường sự dẻo dai của cơ thể.
Đau lưng
Đau lưng thường xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ do bụng bầu ngày càng lớn. Các cơn đau thường do cột sống bị chèn ép mà hình thành. Trong trường hợp này, các bà mẹ được khuyến khích không nên đứng hoặc ngồi quá lâu. Đồng thời cần tập thể dục đúng cách khi mang thai để giúp các cơ, khớp được thư giãn nhất có thể.
Đau mu
Đây là một trong những cơn đau phổ biến khi mang thai. Càng về cuối thai kỳ cơn đau xuất hiện càng nhiều, càng nghiêm trọng hơn.
Đau chân
Cũng ở giai đoạn cuối thai kỳ, mẹ bầu thường gặp tình trạng bị chuột rút hoặc đau nhức chân. Sự thay đổi về cơ thể này có thể khắc phục được bằng cách giữ ấm cơ thể, bổ sung thêm canxi từ thực đơn ăn uống hàng ngày.
Những cơn đau sau khi sinh
Không chỉ trong thời gian mang thai mà lúc sau khi sinh em bé mẹ bầu cũng phải trải qua nhiều cơn đau. Sau đây là những dấu hiệu phổ biến nhất:
Đối với mẹ sinh thường
– Đau trước khi chuyển dạ: Cơn đau này kéo dài trong vài giờ, thậm chí vài ngày. Lúc đầu gò tử cung đau nhẹ, sau đó mức độ tăng dần lên như bị cấu véo, bị đánh. Những cơn đau này trở thành nhớ đời đối với chị em phụ nữ và không thể diễn tả thành lời.
– Đau do tổn thương vùng kín: Khi sinh thường mẹ phải rạch tầng sinh môn, vết thương này không thể lành ngay sau đó được. Thực sự cơn đau do tổn thương vùng kín rất đau và xấu hổ.
– Cơn đau co thắt tử cung sau sinh: Sau khi sinh con xong, tử cung của mẹ co thắt để thúc đẩy quá trình hồi phục của tử cung về kích thước và trạng thái ban đầu. Tuy nhiên khi những tổn thương tại vị trí sinh chưa lành lại thì kéo theo những cơn đau “đáng nhớ” đối với các chị em.
Đối với mẹ sinh mổ
– Đau khi đặt ống thông: Nhiều bà mẹ cảm thấy việc này đặc biệt đau đớn, xấu hổ và gây ra tâm lý không thoải mái khi sinh con.
– Đau vết mổ: Khi thực hiện sinh mổ, bác sĩ sẽ cắt từng lớp từ bụng ngoài cùng đến tử cung, sau khi em bé được đưa ra ngoài sẽ tiếp tục khâu lại từng lớp một. Khi hết thuốc tê những vết mổ này sẽ rất đau đớn.
– Đau co thắt sau sinh: Sau khi sinh mổ, nhân viên y tế sẽ giúp mẹ ấn huyệt nhiều lần. Bạn hãy thử tưởng tượng vết mổ ban đầu đau, khi bị ấn trực tiếp vào gần vết thương chẳng khác nào rắc muối vào vết thương cả.
Phải sinh con thì mới thấm được những nỗi đau mà người phụ nữ phải trải qua. Do vậy mà những anh chồng – người đồng hành cùng các chị em hãy trân quý người mang nặng đẻ đau đứa con của bạn nhé!