Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đang chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”. Do đó, bên cạnh việc duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị”.
Tuy nhiên, thực tế nền nông nghiệp của Việt Nam đang có sự mù mờ về thông tin. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất khiến cung cầu bị ngắt quãng.
Việc kết nối quá khó khăn giữa người sản xuất và người tiêu dùng dẫn tới “giải cứu” nông sản mang tính chu kỳ, đã đến lúc ngành nông nghiệp phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số nếu không sẽ lỡ nhịp.
Do đó, vai trò của logistics cũng rất quan trọng để đáp ứng được mục tiêu này khi nông sản mang tính chất thời vụ, dễ hỏng hóc, mất giá trị…
Vậy làm thế nào để logistics góp phần nâng cao giá trị cho nông sản? Báo Giao thông ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
Áp dụng công nghệ để giảm giá thành
Việt Nam là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, hải sản. Nông sản lại mang tính đặc thù, thời vụ, dễ hư hỏng. Do vậy, khâu bảo quản kho bãi phải thực hiện tốt, khâu lưu thông đến người tiêu dùng phải nhanh thì giá trị nông sản mới đạt hiệu quả cao.
Trên thực tế, hiện, chi phí logistics chiếm trên 20% GDP trong khi các nước xung quanh chỉ ở mức 12- 13%.
Chi phí cho logistics thương mại nông sản hiện ở mức cao nhất trong nhóm hàng hóa và chiếm gần 30% giá trị của hàng hóa (gạo 29,8%, rau quả 29,5%) cộng thêm với đó là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch đã làm nông sản Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường.
Các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm: vận chuyển (nguyên liệu, BOT, phí không chính thức khác, tối ưu hóa vận chuyển 2 chiều không hiệu quả…), phụ phí và các phí địa phương do chủ hàng và nước chủ nhà áp.
Bên cạnh đó là chi phí hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng khiến chi phí logistics tăng cao. Việc khu vực chế biến nằm xa vùng sản xuất sẽ khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao và gây ra hao hụt trong quá trình vận chuyển.
Điều này đặt ra vấn đề về quy hoạch tổng thể, đưa các vùng chế biến về gần nơi sản xuất. Tuy nhiên, đến nay hệ thống văn bản, chính sách logistics chưa hoàn thiện, thậm chí còn không thống nhất giữa các văn bản.
Dịch vụ logistics cho ngành nông nghiệp là một phần ngành dịch vụ lớn trong chuỗi dịch vụ cung ứng logistics. Việc đầu tư logistics cho nông nghiệp sẽ làm tăng cao giá trị cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, đồng thời góp phần tăng thu nhập người nông dân.
Do đó, vấn đề cấp thiết hiện nay là tích cực áp dụng công nghệ vào các quy trình thu hoạch, bảo quản, vận chuyển,… để giảm giá thành. Hơn nữa, việc thực hiện theo quy trình số hóa sẽ giúp giảm thiểu đứt gãy cung cầu- vấn đề thấy rõ trong vận chuyển trong bối cảnh dịch bệnh thời gian qua.
Để làm được điều đó, cần thực hiện được vai trò của trung tâm logistics vùng chuyên dụng cho hàng nông/thuỷ sản; vai trò của công nghệ, ví dụ công nghệ truy xuất nguồn gốc, công nghệ platform thương mại B2B để giúp người nông dân bán hàng trực tiếp; vai trò vận tải hàng không.
Đáng chú ý, để hướng đến giải pháp phát triển bền vững, doanh nghiệp muốn bán nông sản được giá cao thì bắt buộc phải thay đổi tư duy về cách trồng- cách thu hoạch- cách xử lý cách vận tải … Trong đó, khâu bảo quản sau thu hoạch cần được chú trọng.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tăng cường giải pháp hỗ trợ hệ sinh thái logistics
Dich Covid-19 đã “châm ngòi” cho hàng loạt những khó khăn và bế tắc của thương mại toàn cầu trong gần hai năm qua. Ngay cả những cường quốc kinh tế lớn trên thế giới cũng phải “vừa đỡ, vừa lùi” trước những tác động mà Covid-19 gây ra.
Hậu quả thấy rõ là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, kìm hãm sự phục hồi kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của từng cá nhân, doanh nghiệp.
Trên tuyến vận tải biển, những khó khăn và bất cập đã kéo theo chi phí vận tải tăng vọt gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hàng hóa cũng từ đó mà tăng quá cao.
Một số loại nguyên liệu của nông sản như đậu tương, ngô, lúa mỳ còn liên tục lập đỉnh lịch sử. Giá các mặt hàng này ở Mỹ đã gần đạt mức cao kỷ lục so với thời điểm hạn hán hồi năm 2012.
Trong khi đó, với nhu cầu nhập khẩu nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn thứ ba thế giới, trong khi ngành vận tải biển nước ta chỉ sở hữu đội tàu với trọng tải nhỏ nên việc thiếu hụt tàu và container chở nguyên liệu đã khiến các doanh nghiệp phải gồng mình chịu chi phí quá lớn. Thậm chí Có những chuyến tàu hàng khô phải gánh hơn 10.000 USD/cont 20feet.
Nhu cầu nông sản gia tăng mạnh nhưng nguồn cung chịu ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết bất lợi đã đẩy giá hàng hóa tăng chóng mặt trên thị trường hàng khô.
Những điều này được phản ánh rất rõ ràng qua Chỉ số vận chuyển ngũ CỐC và hạt có dầu của IGC, đã tăng vượt 230 điểm vào giữa tháng 8, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi các chỉ số phụ đối với Mỹ, Biển Đen, Australia và Brazil cũng lần lượt tăng 77%, 110%, 99% và 90% So với một năm trước.
Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên thế giới hiện nay cũng đẩy các loại chi phí tăng lên rất cao. Việt Nam cũng chưa tham gia vào đội tàu quốc tế nên điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn nghiêm trọng.
Trong khi vaccine Covid-19 chưa được triển khai rộng rãi, doanh nghiệp rất cần các Cơ quan quản lý, khai thác cảng biển xem xét giảm chi phí lưu kho bãi cho hàng hóa tại các cảng.
Song song, các địa phương cũng nên ưu tiên xem xét cho các lực lượng lao động được phép lưu thông thuận lợi tại các cảng, giảm bớt những giấy phép “cứng” để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng khó bảo quản như nông sản.
Diễn biến cũng chưa cho thấy dấu hiệu giá cước có thể hạ nhiệt, ít nhất là đến cuối năm nay, bởi mức tăng trưởng của đội tàu mới còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi sự phục hồi kinh tế không đồng đều về mặt địa lý và chính sách bảo hộ ngày một thắt chặt của các quốc gia trên thế giới.
Vậy nên, để doanh nghiệp bớt chật vật tìm hướng đi trong đại dịch, nhà nước cần có thêm các Cơ chế hỗ trợ thị trường logistics để Việt Nam sớm phục hồi kinh tế và giữ vững thế mạnh của một đất nước nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinapharma – Group
Logistics là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng
Dịch Covid-19 xảy ra khiến hoạt động giao thương hàng hóa gặp khó khăn, ùn cứ liên miên, giá cước tăng phi mã. Điều này đã bộc lộ rõ hơn những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam. Trong đó, thấy rõ nhất là câu chuyện khan hiếm container rỗng, cước vận chuyển tăng gấp nhiều lần. Hay việc lúng túng trong điều phối hoạt động nội địa ở lĩnh vực này.
Qua đó, chúng ta cũng thấy rõ hơn vai trò của logistics đối với hàng nông sản. Logistics được ví như cầu nối giữa doanh nghiệp tới người tiêu dùng, và là xương sống cho mọi hoạt động của một doanh nghiệp từ canh tác- thu hoạch – thu mua- vận chuyển- làm sạch- lưu trữ cho đến thông quan…
Do đó, Chính phủ cần tìm giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề logistics từ những khâu trên. Từ đó giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản bởi chi phí logistics cao, đồng nghĩa khả năng cạnh tranh của nông sản bị kéo giảm.
Thực tế, phần lớn doanh nghiệp nông sản đã phải xoay xở đủ cách, thậm chí chấp nhận giá cao chỉ để đảm bảo hàng không bị dồn ứ. Bởi vậy, bản thân doanh nghiệp cần xây dựng những nhà máy chế biến tại chính những vùng nguyên liệu trọng điểm, hạn chế chi phí vận chuyển và tình trạng thất thoát khi “được mùa mất giá” nhưng không vận chuyển được những vùng còn thiếu.
Đặc biệt, hiện nay, thị trường nội địa ngày càng phát triển, cửa hàng tiện lợi tăng nhanh, khiến nhu cầu vận chuyển các sản phẩm cần bảo quản lạnh. Vì vậy, để đảm bảo giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp, việc đầu tư chuỗi logistics hiện đại có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Mặt khác, khó khăn trong dịch bệnh từ việc đứt gãy cung cầu khi nguồn cũng thừa phải đổ đi nhưng người mua không tiếp cận được, đòi hỏi bài toán lưu trữ nông sản cần được hiện thực hóa nhanh chóng, rộng rãi. Song, chi phí đầu tư thiết bị và vận hành không nhỏ. Vì thế, Chính phủ cũng cần Có những chính sách riêng kêu gọi nguồn lực cho giải pháp này.