Bổ sung chất dinh dưỡng trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển về sau của trẻ. Trong bài viết sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về nhu cầu canxi và cách bổ sung canxi cho trẻ, phòng tránh còi xương, suy dinh dưỡng nhé!
Vai trò của canxi đối với trẻ
Canxi là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển chiều cao, độ cứng của xương, răng,… Trong cơ thể người, có tới 99% canxi nằm ở xương và răng, còn 1% còn lại là trong các tế bào máu.
Những em bé được bổ sung đầy đủ canxi sẽ có hệ thống xương và răng chắc khỏe. Ngược lại, khi bị thiếu canxi trẻ sẽ bị còi xương, răng mọc chậm, khi ngủ hay bị giật mình, xương nhô, ức lõm,…
Thiếu canxi cũng ảnh hưởng đến sự phát triển hệ miễn dịch của trẻ. Đồng thời khiến các tế bào mất đi khả năng nhận biết để tiêu diệt tế bào ung thư bên trong cơ thể.
Nhu cầu canxi của trẻ
Nhu cầu canxi ở mỗi độ tuổi khác nhau và tăng dần theo độ tuổi. Chính vì vậy ba mẹ cần tìm hiểu nhu cầu canxi của con mình để có biện pháp bổ sung canxi phù hợp. Theo đó:
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ cần 300mg canxi/ ngày.
– Trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 400mg canxi/ ngày.
– Trẻ từ 1-3 tuổi cần 500 mg canxi/ngày.
– Trẻ từ 4-6 tuổi cần 600mg canxi/ngày.
– Trẻ từ 7-9 tuổi cần bổ sung 700 mg canxi/ ngày.
– Trẻ từ 10 tuổi cần 1000mg canxi/ ngày.
– Trẻ từ 11-24 tuổi cần 1200mg canxi/ ngày.
Những vấn đề lầm tưởng về thiếu canxi
Trẻ bị thiếu canxi có thể dẫn tới nhiều biểu hiện kéo theo đó, tuy nhiên các bệnh kéo theo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ba mẹ nên trang bị đầy đủ kiến thức để chăm sóc bé tốt nhất.
Sau đây là những vấn đề ba mẹ thường lầm tưởng bấy lâu nay về tình trạng thiếu canxi ở trẻ:
Trẻ khó ngủ do thiếu canxi
Thực chất, việc thiếu canxi không phải nguyên nhân gây khó ngủ ở trẻ. Mỗi bé có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau do sự phát triển não bộ của từng thời điểm khác nhau. Chẳng hạn, các bé dưới 4 tháng thường hay thức do có nhu cầu bú sữa mẹ. Với bé ăn dặm, thường khó ngủ do thiếu cân bằng lượng sữa và thức ăn.
Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài như nhiệt độ phòng, không gian ngủ của bé, độ sáng của đèn ngủ, độ yên tĩnh của căn phòng,… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Rụng tóc vành khăn
Tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ cũng không liên quan đến việc thiếu canxi như ba mẹ vốn nghĩ. Dấu hiệu này thường xuất hiện các bé dưới 1 tuổi và giảm dần khi bé lớn hơn.
Bên cạnh đó, tư thế ngủ của bé cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rụng tóc. Trường hợp này ba mẹ đừng quá lo lắng mà hãy chờ cho tóc bé mọc trở lại.
Chậm mọc răng
Thiếu hụt canxi không tác động đến sự phát triển răng của trẻ. Do vậy, khi con chậm mọc răng không liên quan đến sự thiếu hụt canxi bên trong cơ thể.
Theo Hiệp Hội Nha Khoa Anh và Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ, thời gian mọc cái răng đầu tiên của trẻ khác nhau, có thể từ 4 tháng tuổi đến 13 tháng tuổi. Cũng có trường hợp kéo dài đến 15 tháng. Bên cạnh đó, trẻ Châu Á có thời gian mọc răng đầu tiên chậm hơn các bé Châu Âu và Châu Mỹ.
Quá trình bổ sung dinh dưỡng khi thai nhi còn trong bụng mẹ cũng ảnh hưởng tới sự chậm mọc răng. Theo đó, khi mẹ mang thai từ 17-19 tuần cần chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, vitamin A, C, D,…
Bổ sung canxi cho bé đúng cách
Việc bổ sung canxi cho bé có vai trò quan trọng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và đạt được chiều cao lý tưởng. Theo đó, việc thiếu canxi hay thừa canxi cũng mang lại những hậu quả không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Chú trọng liều lượng
Nhu cầu canxi ở mỗi độ tuổi là khác nhau. Trẻ càng lớn nhu cầu bổ sung canxi càng cao. Vì vậy, ba mẹ nên chú ý tới độ tuổi của bé để lên kế hoạch bổ sung liều lượng canxi thích hợp.
Trường hợp thừa canxi ở trẻ sẽ dẫn đến những hậu quả như gây táo bón, buồn nôn, đau xương,… Lâu ngày còn có thể dẫn những hậu quả nặng hơn như tích tụ canxi, vôi hóa hoặc sỏi thận, và ảnh hưởng tới khả năng hấp thu các chất khoáng khác như sắt, magie, kẽm,…
Đúng thời điểm
Bổ sung canxi đúng thời điểm giúp cơ thể bé nhận được những lợi ích tốt nhất từ canxi. Theo đó, thời điểm bổ sung canxi tốt nhất được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên đó là vào buổi sáng và sau bữa ăn từ 30-60 phút.
Bên cạnh đó, không cho trẻ uống canxi vào buổi tối hoặc buổi chiều. Bởi đây là khoảng thời gian canxi dễ bị lắng đọng trong cơ thể dẫn tới nguy cơ gây táo bón, sỏi thận và khó ngủ ở trẻ.
Kết hợp với vitamin D
Vitamin D và canxi là bộ đôi chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ. Trong đó, vitamin D đóng vai trò là chất dẫn truyền giúp cho cơ thể bé có thể hấp thu canxi tốt hơn. Do vậy, ba mẹ nên chú ý bổ sung vitamin D song sóng với việc bổ sung canxi cho trẻ.
Có thể bổ sung vitamin D bằng nhiều cách như cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng sớm hoặc bổ sung thông qua các loại thực phẩm bổ dưỡng như sữa, sữa chua, lòng đỏ trứng, cá hồi, dầu gan cá,…
Bổ sung qua đường ăn uống
Chế độ ăn uống hàng ngày có thể đáp ứng được 50% lượng canxi cần thiết cho trẻ. Đối với trẻ giai đoạn sơ sinh thì sữa mẹ chính là nguồn bổ sung canxi tốt nhất.
Khi bé lớn hơn, ba mẹ có thể bổ sung canxi cho bé bằng các loại thực phẩm bổ dưỡng như hải sản gồm cá, cua, tôm sò,… hay các loại rau cải xoăn, cần tây, bắp cải, diếp cá. Trong rau xanh có chứa vitamin K giúp hình thành osteocalcin, osteocalcin giúp tăng khả năng tích tụ canxi vào xương.
Trong một số trường hợp bé có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng để bổ sung canxi cho cơ thể. Tuy nhiên ba mẹ cần tham khảo ý kiến từ những chuyên gia khi bổ sung bất kỳ loại dưỡng chất nào cho trẻ.