Lá nếp hay còn được biết với tên gọi khác là lá dứa, lá dứa thơm. Loại lá này có enzyme tạo mùi thơm nên rất thích hợp sử dụng để làm dậy mùi của các món ăn, khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, lá nếp có màu xanh vô cùng bắt mắt nên có khả năng kích thích thị giác hiệu quả.
Tại Việt Nam, từ lâu loại lá đặc biệt này được sử dụng như một thứ gia vị truyền thống và được biến tấu thành nhiều món ăn phổ biến như:
Sữa chua thạch lá nếp
Có thể nói đây là món ăn đã khai sáng được công dụng thanh mát, giải nhiệt của lá nếp. Vị chua thanh thanh của sữa chua hòa quyện cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa. Bạn cũng có thể ăn kèm với topping là trân châu để thạch lá nếp thêm phần kích thích vị giác.
Chè dừa non lá nếp
Chè là món ăn mùa hè rất được yêu thích để cơ thể giải nhiệt. Khi bổ sung thêm nguyên liệu lá nếp thì chè càng thơm dịu và thanh mát hơn. Cắn một miếng dừa non giòn ngọt vào miệng chắc chắn sẽ làm tan chảy bao trái tim hảo ngọt và ghiền chè của bạn.
Xôi lá nếp
Nếu là một “tín đồ” của các món xôi, thì chắc chắn bạn sẽ phải lòng món xôi lá nếp này. Từng hạt xôi căng tròn hòa quyện với hương thơm của nước cốt dừa và nước lá nếp xanh biếc, chắc chắn sẽ chinh phục cả vị giác lẫn thị giác của bất cứ thực khách nào.
Bánh tiêu lá nếp
Bánh tiêu được lòng thực khách nhờ độ giòn xốp thơm ngon, khi kết hợp với lá dứa càng làm tôn thêm hương vị cuốn hút trong cổ họng và vẻ đẹp của lớp vỏ bên ngoài. Không cần phải nhồi nhét thêm nhân gì, chỉ cần hoà vào một chút vị lá nếp khi trộn bột cũng đã tạo nên chiếc bánh tiêu đầy hương sắc.
Mùi thơm nhẹ lan tỏa trong cổ họng cũng giúp bánh không còn cảm giác ngậy mùi dầu chiên mà tươi mới trong miệng. Toàn bộ bánh từ trong ruột đến vỏ là gam màu xanh nõn là điểm thu hút thị giác lẫn vị giác của món ăn.
Bánh cuốn thịt lá nếp
Sự kết hợp độc đáo của phiên bản bánh cuốn truyền thống với hương vị lá nếp giúp bạn biến tấu thêm được một món ăn mới vô cùng bắt mắt mà cũng vô cùng thơm ngon. Bánh vẫn gồm bột tráng mỏng và được hấp chín bằng hơi nước nhưng lại dậy lên một mùi thơm đặc trưng từ lá nếp khiến ai cũng háo hức.
Bánh cuốn lá nếp cũng đầy đặn nhân thịt băm, nấm mèo và ăn cùng chả lụa, bánh tôm… như những loại bánh cuốn truyền thống hay bánh cuốn trứng. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất của món ăn này và làm cho nó hấp dẫn hơn gấp bội chính là ở lớp bột mềm mại được nhấn nhá sắc xanh hút mắt cùng chút ngọt dịu giúp thực khách cảm thấy thanh mát và muốn thưởng thức ngay lập tức.
Bánh đúc lá nếp
Đây là một loại món ăn bình dị thích hợp cho cả 4 mùa trong năm. Nói đến sự thu hút khẩu vị riêng biệt của món bánh đúc có lẽ là mùi thơm và độ thanh mát với nguyên liệu chính từ lá nếp. Trong loại món ăn này, lá nếp có phần đậm màu hơn, khi hòa cùng cốt dừa và nước đường lại vô cùng ăn ý.
Không giống các món bánh đúc khác, bánh đúc lá dứa còn thêm vị ngọt dịu, thơm lừng khắp cổ họng khiến thực khách ăn xong vẫn hồi tưởng hương vị rất lâu trong cổ họng.
Bánh ống lá nếp
Loại món ăn vặt này trứ danh ở cùng miền Tây, gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Bánh ống sẽ chẳng thể nào tồn tại nếu thiếu đi hương vị lá nếp đi cùng. Bởi chính nhờ nguyên liệu này mà chiếc bánh có màu xanh bắt mắt, hương vị thơm lừng dễ dàng mê hoặc mọi thực khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Sự hài hòa ăn ý giữa bột thơm, mềm xốp cùng mùi lá dứa thoảng trong cái béo của dừa… giúp chiếc bánh ống thêm phần đặc sắc. Khi còn nóng, mùi thơm từ lá dứa vừa lấy ra khỏi khuôn dậy lên làm ai cũng phải thòm thèm.
Chuối nếp nướng lá nếp
Chuối nếp khi nướng lên bình thường đã rất thơm rồi nay còn cho thêm lá nếp thì mùi hương “đưa đẩy” vô cùng. Khi nướng trong lá chuối, mùi thơm từ chuối nếp hòa cùng mùi lá nếp cứ thoang thoảng trong cổ họng. Chỉ một chút biến tấu đã làm cho món ăn trở nên kích thích vị giác những người sành ăn.
Lá nếp được coi là hương vị truyền thống của Việt Nam không thể thiếu trong nhiều món ăn, thức uống. Nhờ có nó mà hương vị của món ăn càng thêm chuẩn vị, đậm đà, cuốn hút hơn.