Trẻ bị suy dinh dưỡng do chán ăn, sợ ăn,… luôn là vấn đề khiến các bà mẹ lo lắng. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng khiến trẻ thấp còi, nhẹ cân sẽ giúp cha mẹ có cách chăm sóc trẻ tốt hơn, không phải lo lắng về cân nặng hay chiều cao của bé.
Biểu hiện của trẻ bị suy dinh dưỡng
Thể trạng chính là triệu chứng thể hiện rõ nhất, báo hiệu cơ thể đang thiếu các dưỡng chất cần thiết và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình tăng trưởng của trẻ. Các dấu hiệu thường gặp là trẻ bị sụt cân hoặc đứng cân, chán ăn, hay quấy khóc, không năng động, chậm mọc răng, các vận động cơ thể cũng phát triển chậm.
Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng được chia làm 3 thể:
Thể phù
Ở thể này, bé có triệu chứng da xanh xao, thiếu canxi, mắt khô và hay bị quáng gà, dễ mắc bệnh do thiếu các chất dinh dưỡng đa vi lượng, cùng với dư lượng tinh bột nạp vào cơ thể.
Thể teo
Biểu hiện của trẻ bị suy dinh dưỡng thể teo là da nhăn nheo, các cơ bắp bị teo lại, tuy nhiên mức độ suy dinh dưỡng của trẻ thể teo vẫn nhẹ hơn trẻ suy dinh dưỡng thể phù và tiên lượng cũng tốt hơn.
Thể hỗn hợp
Là thể suy dinh dưỡng kết hợp giữa thể teo và thể phù. Suy dinh dưỡng ở trẻ có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, dễ mắc bệnh, trí tuệ và thể chất chậm phát triển.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị suy dinh dưỡng?
Việc nắm bắt được nguyên nhân cụ thể khiến thể trạng của bé phát triển kém phát triển sẽ giúp cha mẹ chọn được phương pháp khắc phục, điều trị hiệu quả nhất.
Mẹ không bổ sung đủ dinh dưỡng trong thai kỳ
Trong giai đoạn mang thai, chế độ dinh dưỡng của người mẹ rất quan trọng đối với sự phát triển của em bé. Nếu người mẹ không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, và không đảm bảo sự cân bằng giữa các dưỡng chất như tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và các khoáng chất có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ ở trong bào thai, trẻ sinh ra cũng bị nhẹ cân.
Giai đoạn trẻ bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu
Trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời theo nghiên cứu sẽ có khả năng phát triển khỏe mạnh, ít mắc các bệnh truyền nhiễm. Khả năng kháng khuẩn của trẻ cũng mạnh hơn, ít mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, hạn chế mắc các bệnh thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin. Cho trẻ bú bình sớm, hoặc trẻ không có điều kiện được uống sữa mẹ sẽ rất dễ bị suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch của trẻ yếu hơn, dễ mắc bệnh, dẫn đến việc hấp thu dưỡng chất kém hơn và kém phát triển hơn.
Giai đoạn ăn dặm bổ sung
Trong giai đoạn bắt đầu cai sữa và cho bé ăn dặm, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng do sự chăm sóc sai cách của mẹ và những người thân xung quanh. Mẹ hoặc người chăm sóc không nắm rõ thể trạng của bé, cho bé bỏ bú và bắt đầu cho ăn dặm sai thời điểm, cũng như không đáp ứng số bữa trong ngày. Điều này vô tình gây mất cân bằng dưỡng chất ở trẻ, ảnh hưởng đến thể chất của bé.
Suy dinh dưỡng do sự tiêu hao của trẻ
Các trường hợp trẻ mắc bệnh kéo dài, đặc biệt là rối loạn tiêu hóa,… có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ, trẻ hấp thu kém và thất thoát chất dinh dưỡng nạp vào.
Phương pháp chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng
Vệ sinh ăn uống
Vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng để chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, người chăm sóc trẻ cần đảm bảo trẻ được ăn chín uống sôi, hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nguội, giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh, có thể tránh các bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, các bệnh dạ dày và đường ruột,…
Vệ sinh cá nhân
Trẻ cần được vệ sinh cá nhân, giữ gìn răng miệng sạch sẽ hằng ngày, hạn chế ăn đồ ngọt, tạo thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vui chơi,…
Tạo thói quen và cảm hứng cho trẻ ăn uống
Trẻ con vì sở thích ăn đồ ngọt nên thường chán ăn vào các bữa chính, người mẹ cần tạo thói quen ăn uống cho trẻ, hạn chế cho trẻ ăn đồ vặt gần bữa chính, tạo cảm giác phấn khích và vui vẻ khi ăn uống để trẻ ăn đầy đủ.