Làm việc luôn tay không nghỉ có thể khiến các khớp bàn tay bị đau mỏi. Tuy nhiên, nếu quá trình đau nhức kéo dài, thường xuyên và có dấu hiệu tăng nặng thì rất có thể bạn đang gặp vấn đề về xương khớp. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này, cách điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mặt bệnh và nắm được một số bài tập trị liệu giúp cải thiện hiệu quả.
Bệnh đau khớp ngón tay là gì?
Các đoạn xương của cơ thể được nối với nhau bởi các khớp, và cả xương ngón tay cũng vậy. Các đoạn khớp hoặc sụn thường khá trơn nhẵn giúp việc chuyển động của xương dễ dàng hơn. Các khớp, sụn bị hao mòn hoặc tổn thương có thể gây ra viêm khớp, kèm theo đó là sự đau nhức và sưng ở các khớp.
Những người bị viêm khớp ngón tay thường có các triệu chứng sưng, đau ở các khớp ngón tay, các ngón tay cứng đơ, không thể hoạt động linh hoạt, các cơn đau khớp âm ỉ hoặc dữ dội thường xuất hiện vào ban đêm, các khớp to ra và có thể xuất hiện các khối u nhỏ quanh khớp ngón tay, khi thời tiết chuyển lạnh hoặc khi ngâm nước lâu thấy đau nhức ở khớp tay.
Một số triệu chứng khác cũng thường xuất hiện đi kèm khi bị đau nhức xương khớp như sốt nhẹ, mồ hôi ra nhiều đặc biệt ở tay, tê bì, suy nhược cơ thể.
Các bệnh về đau khớp ngón tay có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như bàn tay bị biến dạng, teo cơ, mất khả năng vận động tạm thời,…
Các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay
Do thoái hóa ở các khớp
Các khớp được nuôi dưỡng nhờ các chất dinh dưỡng mà máu đưa đến, khi lượng máu này bị sụt giảm, các sụn khớp bị thiếu chất dinh dưỡng theo thời gian sẽ dần bị thoái hóa, cùng với sự hoạt động liên tục của các khớp, các dây thần kinh ở bàn tay, ngón tay cũng gặp phải những tổn thương. Thoái hóa khớp là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi.
Người cao tuổi và phụ nữ tiền mãn kinh có khả năng hấp thu canxi rất kém, dẫn đến vấn đề thiếu hụt canxi và đẩy nhanh tình trạng thoái hóa các khớp.
Gặp chấn thương ở các bộ phận của tay
Những chấn thương như rách hoặc giãn gân cơ, bong gân, rách dây chằng, nứt hoặc gãy ở khớp ngón tay, trật khớp để lâu không điều trị cũng có thể làm tình trạng thoái hóa khớp sớm xuất hiện.
Sự cố trong sinh hoạt hằng ngày
Hoạt động sinh hoạt hàng ngày với việc sử dụng tay thường xuyên như chơi thể thao, giặt giũ ngâm tay lâu trong nước, lao động tay chân, mang vác,… cũng có thể ảnh hưởng đến và gây thoái hóa ở các khớp ngón tay.
Các vấn đề với mô mềm ở tay
Những chấn thương ở các mô mềm ở tay như da, mỡ, gân, bao khớp,… khiến da chậm hồi phục và không có được độ đàn hồi như cũ có thể làm cứng các khớp tay và gây khó khăn trong việc cử động ngón tay.
Do ảnh hưởng hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý mà hệ thống thần kinh ngoại biên như ống tay, dây chằng, gân, dây thần kinh giữa,… bị chèn ép và tổn thương. Đây là bệnh thường gặp ở những người làm văn phòng, hoặc tư thế tay được duy trì cố định trong thời gian dài. Người bị hội chứng này có thể bị ngứa ở cổ tay, sưng và đau ở các ngón tay.
Một số bài tập cho ngón tay để giảm đau khớp
Các bệnh viêm khớp không nhất thiết phải tiến hành phẫu thuật, nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể uống thuốc kết hợp tập luyện các bài tập trị liệu hỗ trợ điều trị tại nhà.
Bài tập 1
Bệnh nhân có thể dùng dùng tay còn lại để nắn thẳng ngón tay bị đau khớp, sau đó lại gập ngón tay vào lòng bàn tay. Thực hiện liên tục để luyện tập sự linh động của khớp ngón tay.
Bài tập 2
Duỗi căng các ngón tay đến hết cỡ sau đó gập lại, giữ khoảng 30 giây thì lặp lại động tác. Bài tập duỗi căng ngón giúp giảm tê mỏi và tăng cường sự linh hoạt của các khớp ở ngón tay.
Bài tập 3
Nắm chặt lòng bàn tay có ngón tay bị đau khớp trong vài giây sau đó thả lỏng. Có thể sử dụng bóng cao su mềm hoặc các vật dụng nhỏ vừa tay để kết hợp tập luyện. Động tác này sẽ giúp bàn tay hoạt động dễ dàng với thời gian dài hơn mà không bị tê mỏi.
Bài tập 4
Thả lỏng bàn tay và đặt úp lên mặt bàn, để ngón tay tự nâng lên cao sau đó lại thả xuống, thực hiện xoay vòng 10 ngón tay để tập luyện. Bài tập tự nâng ngón tay sẽ giúp các cơ tay căng ra .
Bài tập 5
Dùng ngón tay cái giữ đốt đầu tiên của ngón trỏ sao cho tạo thành hình chữ O, giữ khoảng 30 giây sau đó thực hiện tương tự lần lượt với các ngón còn lại.
Cải thiện tình trạng đau khớp ngón tay bằng những thói quen sinh hoạt hằng ngày
Ngoài việc sử dụng các liệu pháp điều trị, tập luyện các bài tập vật lý trị liệu, việc thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng có thể hỗ trợ trong việc điều trị bệnh xương khớp. Cụ thể:
- Hạn chế những công việc mà ngón tay, bàn tay phải chịu áp lực nặng như xách đồ nặng hoặc các công việc mang vác.
- Không cầm nắm đồ vật trong thời gian quá lâu, thay đổi các tư thế của tay.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng, hạn chế sử dụng thực phẩm có ảnh hưởng xấu đến xương khớp như rượu, bia, các thực phẩm nhiều muối hoặc đường. Đồng thời bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, canxi, Omega-3 như cá hồi, cá thu, súp lơ, bí đỏ, các loại trái cây họ cam,…
Trên đây là những thông tin tổng quan về tình trạng đau khớp ngón tay cũng như gợi ý một số bài tập trị liệu đơn giản.