Mẹ nhàn tênh nếu biết áp dụng những mẹo giúp bé ăn ngon sau

Cha mẹ cần tìm cách để trẻ cảm thấy hoạt động ăn uống thú vị không kém các hoạt động vui chơi. Việc cảm nhận mùi hương, nếm được vị của các loại thịt và rau củ cũng là cách gián tiếp để trẻ khám phá thế giới. Để bữa ăn không phải là cuộc chiến giữa bé và cha mẹ, Vinapharma – Group sẽ đưa ra một số lời khuyên và mẹo giúp trẻ ăn ngon miệng hơn trong bài viết sau.

Mục lục chính

Chọn đúng loại thực phẩm phù hợp với bé

Mỗi gia đình lại sử dụng một list các tiêu chuẩn khác nhau để chọn thực phẩm nấu ăn cho trẻ. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì cha mẹ nào cũng muốn các con được đủ chất, được hấp thu đa dạng các loại thực phẩm. Tuy nhiên chúng ta không nên quá sa đà vào các tiêu chí của bản thân mình, thay vào đó hãy dựa vào nhu cầu của trẻ để quyết định xem nên nấu món gì và nấu ra sao.

Hãy chọn thực phẩm hoặc cách chế biến phù hợp với độ tuổi của bé
Hình ảnh: Hãy chọn thực phẩm hoặc cách chế biến phù hợp với độ tuổi của bé

Tiêu chí duy nhất để bạn kiểm duyệt thức ăn cho bé là sử dụng thực phẩm sạch, lành mạnh. Chúng sẽ đảm bảo bé có sức khỏe tốt và hệ miễn dịch phát triển hoàn thiện. 

Phụ huynh không nên quá áp lực với vấn đề chọn loại thực phẩm nào cho trẻ, cũng không cần mua riêng thực phẩm theo khẩu phần riêng biệt. Bạn có thể dùng chính các thực phẩm mà gia đình vẫn đang sử dụng hàng ngày để chế biến thành món ăn có kết cấu và mùi vị yêu thích của bé nhé!

Mỗi ngày cha mẹ nên chú ý cung cấp đủ một số nhóm thức ăn sau đây:

  • Các loại rau củ và trái cây.
  • Ngũ cốc hoặc tinh bột như mì ống, cơm, cháo, bánh mỳ, yến mạch, lúa mạch,…
  • Protein từ thịt, cá, gia cầm, trứng, sữa, sữa chua, phô-mai,…
  • Ngoài ra phụ huynh cũng có thể tự chọn một số loại thực phẩm bổ sung nhóm vitamin hoặc dưỡng chất cụ thể nào đó để đổi món mỗi ngày.

Chọn đồ uống cũng là yếu tố quan trọng

Có thể bạn chưa biết nhưng nhóm các đồ uống nhiều đường như nước ngọt có ga, các loại nước hoa quả, đồ uống có hương vị nhân tạo có thể khiến bé chán ăn, lười ăn. Lý do là vì các loại đồ uống trên làm thay đổi vị giác của trẻ khiến trẻ không cảm thấy ngon miệng khi dung nạp đồ ăn trong bữa chính nữa. Nếu cha mẹ muốn con ăn ngon thì nên tham khảo một số mẹo sử dụng đồ uống như sau:

  • Nếu bé dưới 2 tuổi thì nên ưu tiên chọn sữa cho con uống mỗi ngày, tùy theo nhu cầu mà lượng sữa có thể dao động từ 250 – 500ml. Tuy nhiên, dù uống sữa thường xuyên thì bé vẫn cần được cha mẹ cho uống nước mỗi khi cảm thấy khát.
  • Khi bé đã 2 tuổi, cha mẹ nên hướng đến các loại sữa ít béo hoặc tách béo, sữa đậu nành cung cấp thêm chất xơ cũng là sự lựa chọn khá lý tưởng. Lưu ý dù trẻ uống sữa hay uống nước thì không nên quá mức 750ml mỗi ngày để con vẫn sẵn sàng dung nạp các loại thực phẩm khác.
  • Chỉ nên cho bé uống sữa giữa các bữa chính và phụ để tránh việc vị giác bị ảnh hưởng dẫn đến ngấy, chán ăn, lười ăn.
Không nên để trẻ uống no nước sát bữa ăn
Hình ảnh: Không nên để trẻ uống no nước sát bữa ăn

Cho bé ăn uống theo một thời gian biểu cố định

Chính xác thì trẻ cũng có thể tự lập cho mình thói quen và khung giờ ăn uống trong vô thức. Đến gần thời điểm mà đồng hồ sinh học báo giờ ăn, trẻ thường có xu hướng cảm nhận rõ cơn đói hơn, tiết nước bọt và dễ cảm nhận hương vị của món ăn hơn. Như vậy việc của các bậc phụ huynh chính là giúp con lập ra thời gian biểu ăn uống cố định và khoa học, con sẽ tự động ăn uống ngon miệng.

Các bé cũng cần 3 bữa chính (với lượng thực phẩm vừa và nhỏ) kèm theo khoảng 2 bữa phụ mỗi ngày. Các bữa ăn cách nhau trung bình từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Cha mẹ hãy lưu ý đáp ứng đúng bữa ăn trong một khoảng thời gian nhất định và con sẽ tự hình thành theo thời gian biểu đó.

Hãy lắng nghe, thấu hiểu và trợ giúp bé nhiều hơn

Mấu chốt của câu chuyện ăn uống đôi khi chỉ là trẻ có kết nối và nghe theo hướng dẫn từ cha mẹ được hay không. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi hành động và lời nói của chúng ta đều liên hệ trực tiếp với hiệu quả trong mỗi bữa ăn của các bé. Vậy phụ huynh nên làm gì và lưu ý những gì?

Cố gắng dùng bữa cùng bé

Các bé luôn mong muốn có người đồng hành và quan tâm đến mình, cha mẹ hãy đáp ứng điều này trong lúc con ăn bữa chính và cả bữa phụ nhé! Sự có mặt của chúng ta không phải để giám sát mà là thể hiện sự quan tâm và truyền cảm hứng tận hưởng món ăn đến trẻ. Dần dần trẻ sẽ cảm nhận được sự kết nối với gia đình trong các bữa ăn và có xu hướng hợp tác hơn, ăn ngon miệng hơn.

Việc cả gia đình dùng bữa cùng nhau sẽ tác động tích cực đến các bé
Hình ảnh: Việc cả gia đình dùng bữa cùng nhau sẽ tác động tích cực đến các bé

Thường xuyên thay đổi món ăn

Những năm đầu đời là lúc các bé yêu thích điều mới lạ từ thế giới xung quanh nhất. Các món ăn mới hoặc các loại thực phẩm lạ, bé mới biết rất đầu rất có khả năng kích thích cảm giác thèm ăn và phấn khích. Trong khi đó hai cảm xúc này lại là hai cảm xúc cơ bản để trẻ em có thể ăn ngon. Vậy cha mẹ chỉ cần lưu ý đổi món mỗi ngày.

Tùy theo điều kiện, kinh tế cũng như thời gian mà cha mẹ có thể linh động yếu tố đổi mới này. Không nhất thiết mỗi ngày bạn đều phải chọn ra loại thực phẩm mới hoặc học công thức nấu ăn phức tạp. Đôi khi chúng ta chỉ cần thay đổi phương thức nấu nướng. Bữa trước bé đã ăn rau củ luộc thì bữa này hãy nấu súp rau củ nhuyễn thêm gia vị để bé hứng thú hơn với món ăn.

Đừng quá khắt khe về thời gian bé dùng bữa

Có một điều hiển nhiên là các bé luôn cần nhiều thời gian để ăn xong khẩu phần của mình hơn người lớn như chúng ta. Nếu cha mẹ đã hoàn thành bữa ăn xong thì hãy nán lại cùng bé và hỗ trợ nếu thấy cần thiết. Sự thúc giục là không cần thiết vì ăn theo kiểu nhồi nhét nhanh gọn chỉ gây ức chế cả tinh thần và hệ tiêu hóa của trẻ. Đôi khi các bé chỉ đơn giản là xao nhãng, không tập trung ăn uống chứ không phải chán ăn hay lười ăn.

Cha mẹ hãy kiên nhẫn nếu các bé mất nhiều thời gian để ăn hết khẩu phần
Hình ảnh: Cha mẹ hãy kiên nhẫn nếu các bé mất nhiều thời gian để ăn hết khẩu phần

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên để bữa ăn của bé kéo dài lê thê. Hãy để bé rời khỏi bàn ăn nếu thấy bé đang có xu hướng nghịch đồ uống thay vì ăn chúng. Hành động nghịch đồ uống thể hiện trẻ đã chán và không muốn ăn thêm nữa hoặc đã cảm thấy no.

Không để thứ gì gây phiền nhiễu đến bữa ăn của bé

Trẻ em luôn dễ bị mất tập trung bởi các yếu tố bên ngoài như âm thanh TV hoặc màn hình điện thoại thông minh, máy tính bảng. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên khéo léo giữ tất cả chúng xa khỏi bàn ăn gia đình. Trẻ sẽ mau chóng quên mất các thú vui kia và tập trung hơn vào việc ăn uống. 

Trong bữa ăn cha mẹ cũng có thể tương tác nhẹ cùng con để bé cảm thấy hoạt động này thật vui vẻ và dễ chịu. Chúng ta càng tận hưởng được khung giờ ăn uống thì bé lại càng dễ ngon miệng. Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là vô cùng đặc biệt nên ngoài các mẹo giúp bé ăn ngon mà chúng tôi giới thiệu, rất có thể bạn sẽ tự tìm thấy cách thức riêng của mình. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *