Thủ phạm gây ra các bệnh tim mạch và cách phòng tránh

Tim là bộ phận quan trọng có liên quan trực tiếp đến sự sống của con người. Thông qua các cơ tim, máu và oxy được lưu thông khắp cơ thể. Chính vì vậy sức khỏe tim mạch luôn là vấn đề được đặt lên bàn cân trong thời đại cuộc sống hiện đại ngày nay.

Chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách tìm hiểu rõ nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ tim để từ đó thực hiện các biện pháp thích hợp.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Hình ảnh: Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Mục lục chính

Thủ phạm gây ra các bệnh tim mạch

Bạn hãy ghi nhớ 3 thủ phạm sau đây, vì chúng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe tim mạch của bạn:

Mỡ máu cao (lipid cao)

Đây là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến vai trò tim mạch. Nếu như cơ thể tiếp nhận một lượng lipid quá lớn mà không đào thải được thì các cholesterol này sẽ ngày càng dày lên và giảm bớt kích thước của các động mạch. Từ đó làm chậm quá trình vận chuyển máu và oxy đến các cơ quan trong cơ thể.

Một trong những dấu hiệu mà bạn có thể cảm nhận được sức khoẻ của mình đang báo động đó là khi cố sức làm một việc gì đó sẽ cảm thấy tức ngực, nguy hiểm hơn là những cơn đau thắt ngực, do thiếu máu đến tim.

Huyết áp cao

Đây được coi là kẻ giết người thầm lặng, là thủ phạm hàng đầu gây tai biến mạch máu não cho hàng triệu người tại Việt Nam. Chính vì vậy, muốn bảo vệ sức khỏe tim mạch cần quan tâm đến tình trạng huyết áp ổn định. Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, áp huyết bình thường là từ 130/85mmHg trở xuống.

Nên kiểm tra huyết áp thường xuyên
Hình ảnh: Nên kiểm tra huyết áp thường xuyên

Đái tháo đường

Người bị đái tháo đường hay có cách gọi khác là mắc bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch lớn gấp 2-3 lần những người bình thường. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường bị bệnh tim mạch cao gấp 3 lần, đàn ông mắc đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 lần và khoảng 2/3 những người bệnh tiểu đường sẽ tử vong vì những bệnh tim mạch.

Ngoài ra, lượng đường huyết tăng cao cũng gây tổn thương cơ tim và làm nhịp tim không đều. Nếu bạn thấy cơ thể thường xuyên xuất hiện các triệu chứng yếu mệt, khó thở, ho khan, phù chân,… thì cũng nên đề phòng.

Các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả

Các bệnh tim mạch lúc đầu không có biểu hiện rõ ràng, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của bạn. Tuy nhiên nếu không được quan tâm và phòng ngừa ngay từ chế độ ăn uống, sinh hoạt sẽ làm tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.

Sau đây là những cách bạn có thể tham khảo và thực hiện chúng mỗi ngày: 

Thay đổi thực đơn ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm giảm bớt các món ăn nhiều dầu mỡ, cay, nóng, đồng thời tăng khẩu phần trái cây, rau xanh, ngũ cốc, cá nhiều hơn. Đặc biệt, bạn cũng không nên ăn quá mặn làm cản trở quá trình đào thải lượng mỡ xấu trong cơ thể.

Tăng khẩu phần rau xanh
Hình ảnh: Tăng khẩu phần rau xanh

Giảm lượng Cholesterol trong máu

Cholesterol là một chất béo không thể thiếu cho cơ thể, có nhiều trong gan động vật và một số thực phẩm khác như bơ, trứng, thịt…. Nhưng nếu nó được tích trữ quá nhiều trong máu sẽ bám lại ở các thành động mạch, đặc biệt là các mạch gần tim. Theo thời gian, làm cho các mạch này hẹp lại, ngăn cản đường lưu thông của máu đến các cơ quan bộ phận cơ thể.

Hạn chế uống rượu bia

Uống bia rượu quá nhiều sẽ làm tăng áp lực ở các động mạch, tăng nguy cơ tăng huyết áp – một trong những kẻ thù của tim. Đồng thời, sẽ kéo theo hàng loạt những tác động xấu đối với sức khoẻ như tăng cân, đái tháo đường, cơ thể mệt mỏi, không tập trung,…

Nói không với thuốc lá

Trong thuốc lá có chứa Nicotin, là một trong những tác nhân làm hẹp các động mạch, thúc đẩy quá trình tạo kết tủa cục máu đông trong động mạch. Hơn nữa, hút thuốc lá sẽ làm rối loạn quá trình hấp thụ của cơ thể và tạo thuận lợi cho việc tích trữ cholesterol trong cơ thể. Chính vì vậy, người hút thuốc hay thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc trong môi trường sống có nguy cơ bị bệnh tim cao gấp 6 lần người bình thường.

Uống nhiều nước

70% cơ thể bạn là nước, do vậy hãy uống nhiều nước ngay cả khi không cảm thấy khát. Nên uống nước lọc, nước khoáng và không nên uống nhiều nước ngọt, nước có gas. Trà và cà phê cũng là hai loại đồ uống nên hạn chế vì chúng có tác dụng kích thích đối với tim.

Uống đủ nước mỗi ngày
Hình ảnh: Uống đủ nước mỗi ngày

Kiểm soát cân nặng

Cân nặng ảnh hưởng đến quá trình tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường diễn ra nhanh chóng. Để có được cơ thể khỏe mạnh, hạn chế áp lực đến các cơ tim hãy duy trì mức cân nặng cân đối. Bằng các bài tập vận động, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh,…

Kiểm tra huyết áp định kỳ 

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, vì vậy bạn cần kiểm tra chúng thường xuyên. Huyết áp cũng có tính di truyền nên nếu bố mẹ bị huyết áp cao thì các con càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh này. Kiểm tra đề phòng bệnh không bao giờ là thừa.

Thường xuyên vận động

Một số gợi ý tốt nhất dành cho bạn đó là đi xe đạp, bơi lội, đi bộ… Những môn thể thao này nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự bền bỉ, phù hợp với mọi lứa tuổi. Thông qua các hoạt động, giúp cơ thể có thể cung cấp nhiều oxy hơn cho các tế bào, làm tim hoạt động tốt hơn, đồng thời cải thiện sự dẻo dai của cơ thể. 

Vận động tăng sức dẻo dai của cơ thể
Hình ảnh: Vận động tăng sức dẻo dai của cơ thể

 Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc kiểm soát sức khỏe tim mạch của bản thân. Hãy lưu lại và gửi tới những người thân xung quanh bạn nhé! 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *